Thực hiện chủ trương kế hoạch của Chính phủ và UBND tỉnh Đồng Nai về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), thời gian qua Trường Đại học Đồng Nai đã tích cực mở rộng các hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và đạt được những thành công đáng ghi nhận. Tiêu biểu, ngày 05/12/2022, công trình nghiên cứu hợp tác quốc tế của TS. Nguyễn Đình Long, Khoa Kỹ thuật, Trường Đại học Đồng Nai với các đồng nghiệp quốc tế đã được vinh danh là công trình khoa học xuất sắc nhất (Best Paper Award) tại Hội nghị quốc tế IEEE Viễn thông toàn cầu (IEEE GLOBECOM) năm 2022.
Hội nghị IEEE GLOBECOM là hội nghị lâu đời nhất và lớn nhất của ngành Viễn thông thế giới. Mỗi năm luôn có tới 3.000 công trình nghiên cứu đăng ký tham gia và chỉ có khoảng 35% công trình được chấp nhận công bố và trình bày tại hội nghị. Năm 2022, trong tổng số trên 1.100 bài báo được chấp nhận công bố trong kỉ yếu của hội nghị, chỉ có 16 bài được chọn làm Best Paper Awards (BPA).
Hình 1: Hội nghị GLOBECOM năm 2022 được tổ chức tại Brazil.
Tại Hội nghị IEEE GLOBECOM năm 2022, TS. Nguyễn Đình Long và các cộng sự đã vinh dự được trao giải BPA cho công trình về Mạng tích hợp vệ tinh và mạng mặt đất vào 6G. Công trình này là sự hợp tác liên ngành giữa các tác giả đến từ các trường đại học, tổ chức quốc tế và Trường Đại học Đồng Nai về khoa học công nghệ trong lĩnh vực viễn thông thế hệ mới (5G/6G) gồm: TS. Nguyễn Đình Long (Trưởng Bộ môn Điện – Điện Tử, Khoa Kỹ Thuật, trường Đại học Đồng Nai); GS. Dương Quang Trung (Đại học Queen’s Belfast, Vương Quốc Anh (UK), Giám đốc nghiên cứu của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh, Viện sĩ của Viện Kỹ sư điện và Điện tử thế giới (Fellow of IEEE) và Hiệp hội trí tuệ nhân tạo Châu Á Thái Bình Dương); ThS. Bùi Thanh Tính (Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh); GS. Phạm Đại Khánh (Trưởng nhóm nghiên cứu không quân (AFRL), thuộc Không quân Hoa Kỳ (USSF)).
Công trình nghiên cứu được đánh giá cao bởi đã thiết kế và đề xuất kết hợp hai phương pháp triển khai trong thời gian thực thi cực kỳ nhanh là phân cụm cho mạng truyền thông dùng lý thuyết trò chơi (Game Theory) và ứng dụng giải pháp tối ưu hóa trong phân bổ tài nguyên mạng. Sự kết hợp này không những làm giảm đáng kể thời gian thực thi mà còn giải quyết các nhược điểm mấu chốt của truyền thông sử dụng vệ tinh tầm thấp, nâng cao hiệu suất mạng lên rất nhiều. Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, các công nghệ IoT được áp dụng rất hiệu quả và phổ biến trong nhiều lĩnh vực với nhiều ứng dụng như nhà thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh, xe tự lái, robot, v.v… Đến năm 2025, con số thiết bị kết nối thông Internet vạn vật (IoT) có thể lên đến 100 tỉ thiết bị. Tuy nhiên, ở những khu vực cách xa trung tâm như vùng sâu vùng xa, miền núi, rừng, trên biển hoặc sa mạc, việc áp dụng IoT cũng rất cần thiết nhưng gặp phải nhiều thách thức. Việc sử dụng truyền thông vệ tinh được xem là một giải pháp rất hiệu quả bởi tầm phủ sóng rộng của chúng, hiện đang được nhiều nhóm nghiên cứu cũng như các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới tập trung nghiên cứu. Hơn thế, TS. Nguyễn Đình Long và các cộng sự cũng đề xuất thiết kế các búp sóng tập trung năng lượng để tăng cường tốc độ truyền tín hiệu trong điều kiện suy hao lớn, cải thiện đáng kể độ tin cậy của kết nối và tốc độ truyền. Nghiên cứu này hứa hẹn sẽ mang lại bước tiến lớn trong việc áp dụng truyền thông vệ tinh cho mạng IoT với các phương pháp tối ưu hiệu quả và độ phức tạp tính toán rất thấp, mang lại tác dụng rất lớn trong các nghiên cứu về mạng di động và không dây thế hệ mới (6G).
Giải thưởng công trình xuất sắc nhất tại Hội nghị quốc tế IEEE Viễn thông toàn cầu năm 2022 là vinh dự của TS. Nguyễn Đình Long và nhóm tác giả và cũng là niềm tự hào của Trường Đại học Đồng Nai; khẳng định được năng lực của đội ngũ giảng viên Nhà trường. Thời gian tới, Trường Đại học Đồng Nai sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước; nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu; triển khai ứng dụng thực tiễn để nâng cao vị thế của Nhà trường trong khu vực và cả nước.